Trao đổi một số kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông hiện nay.

Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam

Diễn Đàn Tuổi Trẻ Việt Nam


    Trao đổi một số kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông hiện nay.

    ngocphuoc
    ngocphuoc
    Binh Nhất

    Tiền : 0
    Tổng số bài gửi : 18
    Join date : 04/12/2014

    Trao đổi một số kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông hiện nay. Empty Trao đổi một số kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông hiện nay.

    Bài gửi by ngocphuoc Wed Feb 11, 2015 8:07 am

    Trong những năm gần đây, việc ứng dụng các phương tiện hiện đại gắn với việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đã không ngừng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các Trường Công an nhân dân. Các phương tiện hỗ trợ cho việc giảng dạy hiện nay rất đa dạng như máy chiếu qua đầu (overhead), video, máy thu thanh (cassette player), phần mềm powerpoint và các phần mềm trình diễn, hệ thống nghe nhìn, phòng lab, đĩa CD (laser disks), băng video (video tapes), máy quay camera (video camera), máy quay video kỹ thuật số (digital camera), máy vi tính (desktop computer) và máy vi tính xách tay (laptop)....
    Trao đổi một số kinh nghiệm trong việc sử dụng giáo án điện tử để giảng dạy tại Trường trung cấp Cảnh sát giao thông hiện nay. 24552135376004563nguoiduatin-canhsatgiaothong_1
         Các phương tiện này đã góp phần làm cho bài giảng sinh động, tạo nên sự hứng thú và tập trung theo dõi của người học, giảm nhẹ sức lao động của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
         Năm học 2012-2013, Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông bắt đầu giảng dạy khóa học đầu tiên, bên cạnh một số giáo viên có kinh nghiệm và kỹ năng sử dụng các phương tiện giảng dạy thì hầu hết vẫn là các giáo viên tập sự đã qua duyệt giảng và vừa được công nhận đủ điều kiện lên lớp nên kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm và khả năng sử dụng các phương tiện phục vụ quá trình giảng dạy còn hạn chế. Để hỗ trợ cho quá trình dạy học của giáo viên nhà trường đạt hiệu quả cao, trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm về việc sử dụng giáo án điện tử Powerpoint trong quá trình dạy và học tại trường.
         Giảng dạy bằng giáo án Powerpoint (thường được hỗ trợ bằng máy Projector kết nối với máy vi tính) giúp cho việc trình chiếu và hiển thị các thông tin trong nội dung bài giảng, phục vụ đắc lực cho việc truyền đạt ý tưởng của giáo viên đến học sinh. Với sự hỗ trợ của máy Projector, giáo viên có thể khai thác sâu nội dung của bài trong một tiết học, đặc biệt phát triển các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc hiểu là những kỹ năng cần được rèn luyện nhiều trước khi hiểu và nhớ bài, cho phép giáo viên tiết kiệm "thời gian chết" (xóa bảng, viết bảng, nhớ những nội dung mà bất ngờ quên...) đồng thời ngân hàng hình ảnh, sự linh hoạt của các Slide được biểu đạt và hiểu thị sinh động trên màn chiếu sẽ giúp giáo viên dẫn nhập và diễn đạt nội dung bài học một cách ấn tượng và thu hút.
         Để giáo án điện tử Powerpoint phát huy tối đa tác dụng của nó, trong quá trình sử dụng, các giáo viên cần chú ý một số vấn đề sau:
         Thứ nhất: Giáo viên phải hiểu sâu và nắm chắc nội dung bài giảng, trên cơ sở đó giáo viên mới có thể cô đọng lại kiến thức với tính khái quát, mô hình hóa cao bằng các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, phim video... một cách khoa học.
         Thiết kế giáo án Powerpoint thường được thiết kế nội dung dưới dạng khái quát nhất, cô đọng nhất nhưng diễn đạt nội dung bài học đầy đủ nhất và học sinh dễ hiểu, dể tiếp thu và thấy hưng phấn, thích thú trong quá trình học. Những nội dung ấy thường được thiết kế dưới dạng các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, phim video... nên đòi hỏi người giáo viên phải làm chủ kiến thức chuyên môn của mình mới có thể cụ thể hóa một cách cô đọng, khoa học bằng các bảng biểu, sơ đồ kết hợp các hiệu ứng màu sắc, âm thanh làm cho bài giảng bớt trừu tượng và giúp học sinh dễ hiểu bài hơn và thấy hứng thú hơn trong quá trình học. Đối với các hình ảnh, phim video cũng đòi hỏi giáo viên nắm vững kiến thức chuyên môn mới có thể chọn lựa hình ảnh và các đoạn phim "đắt giá" đồng thời biết lồng và đưa chúng vào nội dung bài giảng ở phần nào nhằm phát huy hiệu quả cao nhất quá trình học của học sinh.
         Nếu giáo viên có khả năng làm chủ chuyên môn bằng kiến thức của mình thì học sinh sẽ vừa được nghe, được nhìn và được suy nghĩ theo logic trong quá trình học, điều này sẽ làm cho người học tiếp thu nội dung bài học rất hiệu quả.
         Thứ hai: Lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án điện tử
         Trên thực tế, có nhiều nội dung trong bài giảng chúng ta có thể mô mình hóa bằng các sơ đồ, bảng biểu nhưng cũng có những nội dung chúng ta chỉ có thể hiện thị các dòng chữ trên Slide trình chiếu. Do vậy theo bản thân, nếu nội dung trong giáo trình, đề cương giáo trình khó mô hình hóa và học sinh đọc vào cũng thấy dễ hiểu thì chúng ta không nên khai thác sâu bằng việc mô hình hóa thông qua các Slide và như vậy đôi lúc lại gây ra phản ứng ngược là nội dung đó sẽ làm cho học sinh thấy rắc rối và khó hiểu hơn. Theo bản thân, trong một bài giảng, chúng ta không nhất thiết phải soạn dưới dạng giáo án điện tử cho tất cả các nội dung mà có thể chỉ lựa chọn những nội dung phù hợp.
         Thứ ba : lập dàn ý trình bày và liên kết hợp lý các Slide nội dung bài giảng
    Trong lúc hình thành dàn ý bài soạn dưới dạng các Slide cần chú ý mối liên hệ hữu cơ về nội dung giữa các Slide. Nếu không, giáo án điện tử có thể trở thành một tập các chữ và ảnh hơn là một bài soạn. Trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học sinh sẽ dễ hiểu và dễ ghi chép hơn.
         Khi giáo viên trình chiếu Power Point, để học sinh có thể ghi chép kịp thì nội dung trong mỗi slide không nên xuất hiện dày đặc cùng lúc. Ta nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng. Trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học sinh sẽ dễ hiểu và dễ chép hơn.
         Quá trình soạn giáo án, chúng ta cũng có thể ghi cả lời giáo án toàn văn vào trong Slide để tiện cho quá trình tập giảng và dễ theo dõi tính liên kết giữa các Slide trng quá trình giảng nhưng khi trình chiếu, các Slide có ghi lời giáo án toàn văn chúng ta sử dụng chức năng Hide Slide để nội dung này không hiển thị trên màn hình lúc trình chiếu.
         Thứ tư: Lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền, hiệu ứng phông chữ cho các Slide bài giảng
    Sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ, thường thì chúng ta nên chọn phông chữ Times New Roman.
         Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Theo bản thân, đối với các lớp học khoảng trên 60 học sinh như chúng ta hiện nay thì thiết kế đặt cỡ chữ sao cho mỗi Slide chỉ nên bao gồm từ 8 đến 10 dòng (Font size khoảng 26-44).
    Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các Slide, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Về màu sắc của nền hình: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm...) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng. Màu sắc lòe loẹt sẽ gây khó chịu cho người xem. Chúng ta nên chọn một màu đơn hơi tối, vừa không chói mắt lại vừa làm nổi bật màu chữ, thường chọn màu xanh dương đậm vì vừa phổ biến, quen thuộc, đơn giản mà vẫn làm nổi bật được điểm nhấn nội dung chữ.
          Ngoài ra, khi chọn hiệu ứng cho phông chữ, giáo viên không nên dùng quá nhiều hiệu ứng làm cho học sinh chỉ chú ý đến các hiệu ứng mà không chú ý đến nội dung bài học, dẫn đến không nắm được trọng tâm của bài và không nên chèn ảnh động chỉ mang tính trang trí trong bản trình chiếu.
         Thứ năm :sử dụng hợp lý hình ảnh, âm thanh, các đoạn video, lập sơ đồ, bảng biểu trong các Slide bài giảng
    Có thể thấy, các Slide chỉ thực sự phát huy được ưu thế của nó so với bảng phấn khi khai thác được các yếu tố đặc thù như hình ảnh, video hoặc các sơ đồ, bảng biểu gắn với nội dung bài giảng. Các tư liệu này hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, các đĩa CD, DVD, sao chụp từ sách, báo hoặc qua quay video đóng phim tình huống... Tuy nhiên, một điều lưu ý là hình ảnh và âm thanh đưa vào bài giảng phải giải thích, diễn giải, mô tả... nội dung của bài học, phải phù hợp với mục tiêu học tập mà người học cần đạt, hướng đến trọng tâm kiến thức của bài. Việc lạm dụng hoặc thiếu chọn lọc hình ảnh, âm thanh trong khi biên soạn sẽ gây nhiễu cho quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh. Ngoài ra, những tranh, ảnh hay đoạn phim minh họa dù hay nhưng mờ nhạt, không rõ ràng thì cũng không nên sử dụng vì không có tác dụng cung cấp thông tin chính xác như ta mong muốn.
         Những nội dung bài giảng phù hợp chúng ta nên sơ đồ hóa hoặc thể hiện dưới dạng bảng biểu. Điều này qua thực nghiệm đã chứng minh có khả năng hiệu quả ghi nhớ cho học sinh.
         Thứ sáu: sử dụng hợp lý một số phương pháp dạy học khi giảng bằng Power Point.
    Giáo viên vẫn dạy theo truyền thống, vẫn ghi bảng và khi cần đưa ví dụ hay đưa các hình ảnh, đoạn phim, mẫu vật, bảng đồ, thống kê... để học sinh xem thì giáo viên mới dùng đến máy Projector. Nếu giáo viên kết hợp tốt giữa giáo án điện tử và ghi bảng (ghi lại tên bài, các mục của bài và tóm tắt ngắn gọn nội dung) thì việc giảng dạy sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Vì như đã nói ở trên nếu chúng ta chỉ sử dụng giáo án điện tử hoàn toàn, không dùng đến bảng, thì khi trình chiếu qua, học sinh không còn lưu lại được gì và đôi khi các em chỉ thích nhìn việc trình chiếu mà không nắm trọng tâm bài học.
         Giáo viên không nên trình bày nội dung tràn lấp đầy nền hình từ trên xuống từ trái qua phải, mà cần chừa ra khoảng trống đều hai bên và trên dưới theo tỷ lệ thích hợp (thường là 1/6), để đảm bảo tính mỹ thuật, sự sắc nét và không mất chi tiết khi chiếu lên màn.
    Quá trình giảng, đối với những Slide có nội dung phức tạp, giáo viên nên giảng kỹ và dành thời gian vừa đủ để học sinh có thể nắm kỹ nội dung đó, tránh việc chiếu nhanh qua một lần và không có gì lưu lại trong đầu của học sinh.
         Việc ghi chép nội dung bài học cũng rất quan trọng, để học sinh biết cách ghi chép những nội dung cơ bản của bài học, theo bản thân thì nên dùng màu chữ để phân biệt nội dung cơ bản cần ghi chép với nội dung minh họa mở rộng kiến thức, câu hỏi. Với những kiến thức căn bản nhưng khá dài, nếu chép hết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của tiết học, sau khi giảng xong giáo viên hướng dẫn học sinh đánh dấu trong giáo trình, đề cương giáo trình để về nhà chép.
         Thứ bảy: cần nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu
         Điều tất yếu là khi giảng dạy bằng giáo án Power Point đòi hỏi giáo viên phải nắm vững cách soạn thảo giáo án bằng phần mềm Power Point và cả các thao thác cơ bản khi sử dụng Projector. Vì khi sử dụng, giáo viên có thể gặp phải những sự cố nhất định xuất phát từ một số nguyên nhân như: thứ tự các Slide hiển thị trong nội dung giảng xuất hiện trên màn hình không đúng như giáo án đã chuẩn bị; màu sắc của các Slide sau khi qua máy Projector không còn chuẩn, thường là mờ hơn màu ban đầu; sự không tương thích giữa máy tính và Projector; thiết đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý... Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, bạn cần phải được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố thông thường.
         Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân về việc biên soạn và sử dụng giáo án điện tử Power Point trong quá trình giảng dạy vừa qua. Rất mong được các đồng chí chia sẻ, trao đổi để chúng ta cùng ứng dụng công nghệ này tốt hơn trong thời gian tới./.
    Đặng Văn Phúc


    ngocphuoc

      LIKEDISLIKE
      Hôm nay: Sun Apr 28, 2024 3:17 am

      }Diễn đàn TuoitreCAND Powered by FM®Bản quyền © 2014 TuoitreCAND, All rights reserved.Phiên bản website đang chạy thử nghiệm và chờ giấy phép mạng xã hội do Bộ thông tin truyền thông cấp phép.Hiển thị tốt nhất với trình duyệt Firefox và Google Chrome và độ phân giải 1024x768.
      Tắt Quảng Cáo [X]

      Đặt quảng cáo của bạn ở đây
      Liên hệ: E-Mail: tuoitrecandvn@gmail.com
      Điện thoại:
      Giá thoả thuận
      Kích thước thỏa thuận

      ----LIKEDISLIKE